Danh mục sản phẩm
Sản phẩm mới
Tin tức
Chất Khử Khuẩn Được Sử Dụng Trong Y Tế
Để giảm thiểu những nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh và phòng bệnh thường sử dụng một số hóa chất khử khuẩn được phép sử dụng trong lĩnh vực y tế nhằm ngăn ngừa sự nhiễm trùng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Cần biết tác dụng của các loại hóa chất khử khuẩn này để sử dụng phù hợp.
Cồn là tên gọi thông thường của alcohol, thành phần hóa học của cồn hay alcohol có chứa nhóm hydroxyl (OH-). Trên thực tế, cồn hay alcohol được sử dụng nhiều nhất là loại ethanol, còn gọi là ethyl alcohol hay cồn ethylic và loại iso-propanol hay cồn iso-propylic. Nồng độ alcohol thường dùng từ 60 đến 90%. Cồn hay alcohol có cơ chế tác dụng làm đông vón chấtprotein của vi sinh vật, nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình này nên thực tế khi sử dụng không bao giờ dùng cồn hay alcohol nguyên chất mà thường dùng hỗn hợp với nước. Chúng có khả năng diệt được các vi khuẩn, vi-rút, nấm nhưng không thể diệt được nha bào. Cồn hay alcohol thường dùng để khử khuẩn nhiệt kế dùng bằng đường miệng và đường hậu môn, ống nghe, panh, kéo, ống nội soi mềm... Ngoài ra chúng cũng được sử dụng để sát khuẩn da, bàn tay, bề mặt một số thiết bị và dụng cụ, một số bề mặt cứng... Tuy vậy nhưng trên thực tế không dùng cồn để tiệt khuẩn dụng cụ do không diệt được nha bào. Ưu điểm của cồn hay alcohol là có giá thành thấp, không để lại chất tồn dư trên các loại dụng cụ, không có mùi độc hại, không nhuộm màu các dụng cụ... Nhược điểm của cồn hay alcohol là không diệt được nha bào và một số loại vi-rút hoặc nấm, có khả năng làm thoái hóa chất nhựa và chất cao su, dễ cháy và bay hơi rất nhanh.
Cồn hay alcohol là chất khử khuẩn thông dụng thường được dùng (ảnh minh họa)
Các hợp chất có chlor được sử dụng phổ biến nhất là muối hypochlorite của natri và calci, còn được gọi là thuốc tẩy hay nước Javel. Tiếp theo đó là chloramine B, chloramine T, chlorine dioxide và các muối natri dichloro-isocyanurate (NaDCC) hay natri troclosene (presept); đây là các hợp chất có tác dụng kéo dài hơn nước Javel do khả năng giữ được chlor lâu hơn. Về cơ chế tác dụng, hoạt chất có ảnh hưởng chủ yếu của các hợp chất chứa chlor là acid hypochlore (HClO) ở dạng không phân ly. Hoạt chất này bền vững hơn đối với các chế phẩm chứa chlor có độ pH acid, vì vậy các chế phẩm chlor có độ pH càng thấp có nghĩa là càng acid thì có tác dụng diệt khuẩn càng mạnh như natri dichloro-isocyanurate (NaDCC) có tác dụng mạnh hơn hẳn so với dung dịch nước Javel có cùng hàm lượng chất chlor do hai nguyên nhân: nước Javel có bản chất là kiềm, còn NaDCC có bản chất là acid; hơn nữa trong NaDCC chỉ có 50% lượng chlor sẵn có ở dưới dạng tự do (HClO và OCl-), phần còn lại ở dạng hợp chất như monochloro-isocyanurate và dichloro-isocyanurate. Tuy vậy theo các nhà khoa học, cơ chế tác dụng chưa được giải thích đầy đủ, có thể do oxy hóa enzyme và amino acid của vi khuẩn, ức chế tổng hợp protein, giảm trao đổi chất... Cũng như cồn hay alcohol, chất chlor và các hợp chất chứa chlor có khả năng diệt được các vi khuẩn, vi-rút, nấm nhưng không diệt được nha bào; chúng có tác dụng khử khuẩn ở mức độ trung bình nên được sử dụng rộng rãi để khử khuẩn một số loại dụng cụ, các bề mặt, sàn nhà, tường nhà, khử khuẩn và tẩy trắng đồ vải... Ngoài ra một số chế phẩm khác được dùng để xử lý nguồn nước. Thực tế chất chlor và các hợp chất chứa chlor có tác dụng khác nhau tùy theo nồng độ và cách sử dụng, vì vậy cần dùng theo hướng dẫn quy định của nhà sản xuất. Ưu điểm của chất chor và các hợp chất chứa chlor là giá thành không cao, có tác dụng nhanh, không bị ảnh hưởng bởi độ cứng của nước, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và dễ rửa sạch, không để lại chất tồn dư gây kích ứng. Tuy vậy một số nhược điểm cũng được ghi nhận là cần sử dụng đúng nồng độ mới có tác dụng, hoạt chất dễ bị bất hoạt bởi các chất hữu cơ ngoại trừ các chế phẩm giải phóng từ từ như NaDCC; chúng cũng dễ bị thoái hóa bởi ánh sáng và nhiệt độ trong quá trình bảo quản, có thể ăn mòn đối với một số kim loại, thời gian diệt khuẩn nhiều khi không được xác định rõ, không có phương pháp giúp xác định chính xác nồng độ hoạt chất; đồng thời không bền nhất là khi ở dạng dung dịch.
Hóa chất này có công thức hóa học khi ở dạng dung dịch nồng độ hoạt chất giải phóng từ 2 đến 2,5%. Cơ chế tác dụng của hóa chất do alkyl hóa nhóm sulfhydryl, hydroxyl, carboxyl và amino của vi sinh vật; làm biến đổi RNA, DNA và quá trình tổng hợp protein. Dung dịch ở dạng nước có độ pH acid và trong trạng thái này thường không diệt được bào tử. Chỉ khi nào được hoạt hóa bởi tác nhân kiềm hóa để có độ pH từ 7,5 đến 8,5 thường gọi là lọ hoạt hóa thì dung dịch mới diệt được nha bào. Ở độ pH kiềm, dung dịch cũng ít ăn mòn dụng cụ hơn là ở độ pH acid. Glutaraldehyde được sử dụng rộng rãi từ những năm 1960 để làm chất khử khuẩn mức độ cao và tiệt khuẩn các dụng cụ nội soi, dây máy thở, mặt nạ gây mê và rất nhiều dụng cụ kim loại, nhựa, cao su, thủy tinh khác. Thời gian khử khuẩn ở mức độ cao là 20 phút và tiệt khuẩn là 10 giờ ở nhiệt độ bình thường của phòng. Ưu điểm của hóa chất này là có tác dụng diệt khuẩn mạnh với phổ rộng, không bị bất hoạt bởi chất hữu cơ, không ăn mòn nếu ở dạng kiềm; có khả năng bảo vệ ống nội soi nếu chế phẩm không chứa chất hoạt động bề mặt. Bên cạnh đó, các nhược điểm được ghi nhận là đã có hiện tượng đề kháng với một số vi khuẩn mycobacteria, hơi dung dịch có tính kích ứng, nên thông khí phòng thường xuyên để bảo đảm mức từ 7 đến 15 lần thông khí mỗi giờ; lưu ý dạng dung dịch acid có thể gây ăn mòn, làm hại ống nội soi nếu chế phẩm có chứa chất hoạt động bề mặt.
Hóa chất có công thức hóa học là C6H4(CHO)2 hay 1,2-benzenedicarboxaldehyde. Dung dịch 0,55% OPA có màu xanh dương, trong suốt, độ pH 7,5. Cơ chế tác dụng của hóa chất do alkyl hóa nhóm sulfhydryl, hydroxyl, carboxyl và amino của vi sinh vật; làm biến đổi RNA, DNA và quá trình tổng hợp protein. Có tác dụng khử khuẩn mức độ cao trong 5 phút ở nhiệt độ bình thường của phòng; có ảnh hưởng tác động nhanh và mạnh với các chủng vi khuẩn, vi-rút, đặc biệt có thể diệt cả các chủng vi khuẩn mycobacteria đã kháng lại với hóa chất glutaraldehyde. Hóa chất này được dùng thay thế cho glutaraldehyde để làm chất khử khuẩn mức độ cao các dụng cụ nôi soi, dây máy thở, mặt nạ gây mê và rất nhiều dụng cụ kim loại, nhựa, cao su, thủy tinh khác. Ưu điểm của loại hóa chất này là có thời gian khử khuẩn mức độ cao nhanh nhất trong vòng 5 phút, tương hợp với nhiều loại chất liệu khác nhau, không bị bất hoạt bởi chất hữu cơ, rất ít độc do ít bay hơi. Đồng thời các nhược điểm cũng được phát hiện là tình trạng bắt màu của ống soi, khay ngâm, da... do hóa chất có thể tương tác với protein còn sót lại; đây là dấu hiệu để các nhà quản lý chuyên môn dễ dàng nhận ra quá trình làm vệ sinh chưa được thực hiện một cách kỹ càng và cần phải cải tiến khắc phục.
Hóa chất này có công thức hóa học là CH3CO3H, còn được gọi là acid peracetic hay acid peroxyacetic hay PPA. Cơ chế tác dụng của hóa chất chưa được xác định rõ ràng, có thể giống các chất oxy hóa. Có khả năng diệt khuẩn mạnh với phổ rộng bao gồm cả nha bào. Thực tế hóa chất được sử dụng ở nhiều nồng độ khác nhau, có thể dùng riêng hay phối hợp với các chất khác như hydrogen peroxide. Hóa chất thường được dùng để khử khuẩn mức độ cao hay tiệt khuẩn các dụng cụ nội soi, dụng cụ phẫu thuật và nha khoa, dây máy thở, mặt nạ gây mê và rất nhiều dụng cụ kim loại, nhựa, cao su, thủy tinh khác; có thể dùng hóa chất để ngâm hay dùng máy để phun. Ưu điểm của hóa chất này là có phổ diệt khuẩn rộng, diệt được cả nha bào trong thời gian tương đối ngắn, ít độc, có khả năng tương hợp nhiều loại chất khác nhau. Các nhược điểm cũng ghi nhận là dung dịch hóa chất kém bền, thời gian sử dụng ngắn; gây ăn mòn dụng cụ, đặc biệt là dụng cụ bằng chất đồng, thép, sắt...; đồng thời giá thành khá cao.
Hydrrogen peroxide có công thức hóa học là H2O2 với cơ chế tác dụng tạo ra gốc tự do hydroxyl (OH-) tấn công vào màng lipid của vi khuẩn, DNA và những thành phần khác của tế bào. Hóa chất có khả năng diệt khuẩn mạnh với phổ rộng ảnh hưởng đến cả vi khuẩn, vi-rút, nấm và nha bào; có thể sử dụng riêng với nồng độ từ 6 đến 25%, thường dùng nhất ở nồng độ 7,5% hoặc dùng kết hợp với acid peracetic. Với tác dụng này, hydrogen peroxide được dùng để khử khuẩn mức độ cao hay tiệt khuẩn các dụng cụ nội soi ở nồng độ 7,5%. Ưu điểm của hóa chất này là rất bền, đặc biệt khi được bảo quản trong thùng tối. Tuy vậy có một số trường hợp hóa chất có ảnh hưởng đến hình thức và chức năng của ống nội soi.
Iodophors là các hợp chất hữu cơ có chứa iode, kết hợp của iode và một chất mang tính hữu cơ hay chất hòa tan để giúp giải phòng iode dần dần. Hóa chất thường dùng nhất là loại povidone iodine có cơ chế tác dụng tấn công màng tế bào, phá vỡ cấu trúc, tổng hợp protein và acid nucleic. Iodophors có thể diệt được các loại vi khuẩn kể cả trực khuẩn lao, vi-rút nhưng phải cần thời gian dài hơn để diệt một số nấm và nha bào. Các loại chế phẩm có sẵn trên thị trường thường không có khả năng và chỉ định dùng để diệt nha bào. Các nhà khoa học chưa phân định được hợp chất có iode nào là chất khử khuẩn mức độ cao hay khả năng tiệt khuẩn một cách rõ ràng, vì vậy đây là hóa chất sử dụng phù hợp nhất để sát trùng da; ngoài ra còn dùng để khử khuẩn lọ cấy máu và các thiết bị y tế như nhiệt kế, ống nội soi... Ưu điểm của hóa chất iodophors là ít độc, ít kích ứng nhưng đôi khi có trường hợp gây dị ứng; có tác dụng nhanh khi sử dụng đúng nồng độ. Kèm theo đó là một số nhược điểm được ghi nhận như có thể nhuộm màu các dụng cụ, dễ bị bất hoạt bởi protein và các chất hữu cơ khác; không bền vững với nhiệt, ánh sáng và nước cứng; có khả năng ăn mòn, phải pha loãng khi cần theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất; không dùng để khử khuẩn cho các ống thông bằng silicon vì có thể làm hỏng ống.
Các dẫn chất của phenol được tạo thành khi thay nguyên tử H của vòng nhân thơm bằng các gốc hữu cơ như alkyl, phenyl, benzyl hay halogen. Phổ biến nhất là hai dẫn chất Ortho-phenyl phenol và Ortho-phenyl parachlorophenol, chúng có cơ chế tác dụng là phá hủy tế bào và làm kết tủa protein của vi sinh vật. Hóa chất có khả năng diệt được các vi khuẩn, vi-rút, trực khuẩn lao ở một số nồng độ nhất định nhưng không diệt được nha bào; tuy nhiên trên thực tế các kết quả của nghiên cứu không được đồng nhất và được xem là một chất khử khuẩn mức độ thấp. Các dẫn chất của phenol thường được dùng để lau chùi, vệ sinh môi trường như sàn nhà, tường nhà, giường bệnh, tay nắm cửa, các bề mặt của phòng thí nghiệm; đồng thời cũng dùng để khử khuẩn mức độ thấp một số dụng cụ không thiết yếu. Các nhà khoa học không công nhận hóa chất này là chất tiệt khuẩn hay khử khuẩn mức độ cao, tuy vậy đôi khi cũng được dùng để khử mức độ nhiễm của các dụng cụ thiết yếu và bán thiết yếu trước khi đem đi khử khuẩn mức dộ cao hay tiệt khuẩn. Ưu điểm của loại hóa chất này là có giá thành thấp, không có tác dụng ăn mòn. Tuy nhiên có các nhược điểm như có thể tạo vết nứt, nhuộm màu, làm mềm một số dụng cụ bằng nhựa, cao su; bị bất hoạt bởi chất hữu cơ, thường khá độc, có mùi khó chịu, có thể hấp thu vào các loại dụng cụ nhựa, cao su xốp.
Formaldehyde có công thức hóa học là HCHO thường được gọi là formol, dung dịch nước chứa 37% hoạt chất gọi là formalin. Hóa chất có tác dụng tiêu diệt vi sinh vật bằng cách alkyl hóa amino và nhóm sulhydrate của protein. Ở nồng độ phù hợp và với phổ diệt khuẩn rộng, chúng có khả năng diệt được cả nha bào. Mặc dù formaldehyde có thể sử dụng để làm chất khử khuẩn mức độ cao hay chất tiệt khuẩn nhưng thực tế ngày nay rất ít được sử dụng do hơi hóa chất có tính kích ứng, có khả năng gây ung thư. Ưu điểm của formaldehyde là có phổ diệt khuẩn rộng kể cả nha bào, có giá thành thấp và không ăn mòn nhưng đi kèm một số nhược điểm là hóa chất có hơi khí trong, không màu nên khó nhìn thấy; có mùi cay, gây kích ứng; có thể gây ung thư, đột biến gen.
Đây là tên gọi chung cho các chất có chứa nguyên tử ni-tơ N kết hợp với 4 gốc hữu cơ khác nhau. Loại hóa chất thường được sử dụng trong y tế là alkyl dimethyl benzyl ammonium chloride, alkyl didecyl dimethyl ammonium chloride và dialkyl dimethyl ammonium chloride. Hóa chất này có cơ chế tác dụng là bất hoạt các enzyme sinh năng lượng, làm đông vón protein và phá hủy màng tế bào của vi sinh vật. Chúng có khả năng diệt được các vi khuẩn, vi-rút thân dầu có vỏ bọc, nấm nhưng không diệt được trực khuẩn lao, vi-rút thân nước không có vỏ bọc và nha bào; đây là loại hóa chất khử khuẩn mức độ thấp. Hóa chất được dùng để lau chùi, vệ sinh môi trường thông thường như sàn nhà, tường nhà, đồ đạc, dụng cụ... Một số ít chế phẩm được dùng để khử khuẩn các loại dụng cụ y tế không thiết yếu như ống nghe, huyết áp kế... Ưu điểm của hóa chất là ít độc, không gây kích ứng, không mùi, có giá thành thấp, làm chất tẩy rửa chất hữu cơ khá tốt. Tuy vậy các nhược điểm cũng được ghi nhận là hiệu quả giảm mạnh bởi xà phòng và các chất tẩy rửa khác, độ cứng của nước, chất hữu cơ và các chất dịch chứa nhiều protein; nếu dùng để lau chùi bề mặt cứng bằng vải bông thì sợi vải sẽ hấp thụ và làm giảm đáng kể tác dụng khử khuẩn; đồng thời phải thay dung dịch thường xuyên và phải pha loãng đúng cách; có tác dụng diệt khuẩn yếu, thường kìm hãm khuẩn nhiều hơn là khử khuẩn.
Theo: Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn
MST: 0 3 1 4 0 5 4 1 4 0 Cấp: 10/10/2016 Tại SKH & ĐT T.BÌNH DƯƠNG
Địa chỉ: Thửa đất số 97, Tờ bản đồ số 14, Đường ĐT749D, Ấp Xóm Bưng, Xã Thanh Tuyền, Huyện Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương
Hotline: 0888 111 839 - Email: sales@pitayavn.com
Web: www.pitayavn.com
Hotline